Tin mới nhất
 

Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp: Phải làm “thần tốc”, chắc chắn


"Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp phải được triển khai thần tốc nhưng chắc chắn, có hệ thống và có tính kể thừa để xây dựng hệ thống GDNN bền vững trong những năm tới".

TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu tại Hội thảo "Khung đề án chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp" do Tổng cục GDNN tổ chức ngày 24/12, tại Hà Nội.

Hệ thống GDNN sẽ như một quốc gia số thu nhỏ

Những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học, đột phá của công nghệ số sẽ dẫn tới xu hướng phát triển và yêu cầu thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, xã hội quốc gia cũng như hệ thống quản lý của các ngành, lĩnh vực, trong đó có hoạt động GDNN như: yêu cầu về đổi mới công nghệ, đẩy mạnh khoa học phân tích và quản lý, xử lý dữ liệu lớn tạo ra tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác, hiệu quả trong hoạt động GDNN.

TS Phạm Vũ Quốc Bình nhận định, nền tảng số sẽ đóng vai trò quyết định để triển khai thành công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0-  cuộc cách mạng thông minh.

Dự thảo khung đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN nhận định, quá trình chuyển đổi số sẽ làm thay đổi cách quản lý hoạt động GDNN, cách dạy của giáo viên, cách học của học viên tại các cơ sở GDNN từ môi trường truyền thống lên môi trường số.

Đồng thời, quá trình vận động xã hội khi chuyển đổi số sẽ sản sinh ra nhiều ngành nghề mới, nhiều lĩnh vực mới. Đây là thị trường mới tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Từ thực tế này, Dự thảo khung đề án chuyển đổi số trong GDNN xác định: Tầm nhìn của chuyển đổi số hoạt động GDNN tới năm 2030 là toàn bộ hệ thống GDNN như một quốc gia số thu nhỏ. Toàn bộ hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở GDNN, giáo viên, học viên sẽ chuyển lên môi trường số. Đến năm 2030, hoạt động GDNN Việt Nam sẽ đạt trình độ các nước ASEAN-4.

Cụ thể, đến năm 2030, 100% dịch vụ công liên quan đến hoạt động GDNN là dịch vụ trực tuyến mức độ 4, được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

Khoảng 600 cơ sở GDNN (chiếm 30%) phải thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn. Đặc biệt, 100% các trường nghề triển khai nền tảng dạy nghề trực tuyến. 100% cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình…

Tạo lực lượng lao động giá trị cho nền kinh tế

heo TS Phạm Vũ Quốc Bình, lực lượng lao động, quan hệ lao động là một cấu phần quan trọng trong các hiệp định Việt Nam ký kết với quốc tế. Hệ thống GDNN cần phải đáp ứng được trước mắt và lâu dài cho sự phát triển kinh tế xã hội. Chuyển đổi số theo đó phải xây dựng được lực lượng lao động tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế.

Muốn vậy, phải làm tốt công tác dự báo về những ngành nghề sẽ xuất hiện trong tương tương lai. Cập nhật kiến thức, kỹ năng công nghệ của các ngành nghề mới, các ngành nghề chịu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số cho người lao động trong quá trình đào tạo.

Tại Hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế về phát triển GDNN và chuyển đổi số trong GDNN, TS. Nguyễn Quang Việt – Viện trưởng Viện Khoa học GDNN (Tổng cục GDNN) cho biết, tất cả cuộc cải cách và đổi mới của hệ thống giáo dục trên thế giới trong vòng 50 năm trở lại đây đều không thể "vắng bóng" công nghệ thông tin.

TS Nguyễn Quang Việt, Viện Khoa học GDNN: Chuyển đổi số trong GDNN ở Việt Nam cần hướng đến đối tượng mục tiêu là người dạy và người học.

Theo chia sẻ của TS Nguyễn Quang Việt, kinh nghiệm của Đức và châu Âu cho thấy, năng lực số của giáo viên là nhân tố hạn chế chính của chuyển đổi số trong GDNN. Vì thế, họ xác định nhóm đối tượng mục tiêu của GDNN là người dạy và người học. Đồng thời chú trọng đến việc nâng cao trình độ tiếng Anh cho học sinh và giáo viên GDNN, tập trung học tập kỹ thuật số bao gồm truy cập internet, dữ liệu lớn,..

Từ kinh nghiệm của quốc tế, TS Nguyễn Quang Việt khuyến nghị: Chuyển đổi số trong GDNN ở Việt Nam cần hướng đến đối tượng mục tiêu là người dạy và người học. Ngoài ra, cần có các giải pháp ICT và hợp tác với các doanh nghiệp; tăng cường giáo dục đạo đức và trách nhiệm công dân trong quá trình chuyển đổi số bởi vì mặt trái của công nghiệp 4.0 với hệ sinh thái IoT, IoS sẽ làm tăng nguy cơ xâm phạm đời tư, an ninh mạng, sản xuất vũ khí sinh học và vũ khí tự động.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số, GS.TSKH Hồ Tú Bảo tới từ Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, chuyên gia nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu cho biết, "không chuyển đổi số thì giống như có lửa mà vẫn khăng khăng ăn thịt sống, hay có điện rồi mà vẫn thắp đèn dầu".

TSKH Hồ Tú Bảo cho rằng, để chuyển đổi số, việc thay đổi đầu tiên phải là kiến thức. Vì con người mà chúng ta đang tạo ra, dù là ở bậc học nào, thì 5-10 năm nữa sẽ phải làm việc trên môi trường số. Vì thế, kỹ năng và đòi hỏi ở con người đấy sẽ phải khác. Kiến thức mới là thứ chuẩn bị hành trang cho con người làm việc trong tương lai.

Trên cơ sở góp ý của các chuyên gia tại Hội thảo, Tổng cục GDNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khung đề án chuyển đổi số trong GDNN, từ đó xây dựng đề án chuyển đổi số trong GDNN để trình Chính phủ ban hành trong năm 2021.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh, chuyển đổi số phải làm sao thay đổi cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành của cơ quan quản lý nhà nước hướng tới cách thức quản lý, ra quyết định trên nền tảng công nghệ số.

Đặc biệt phải tác động đến các đối tượng đang tham gia vào GDNN đặc biệt là các cơ sở GDNN. Tác động đến quá trình dạy và học, thay đổi cách hoạt động, quản lý của cơ sở GDNN, cách dạy của giáo viên, cách học của học viên tại cơ sở GDNN từ môi trường truyền thống face to face sang môi trường trực tuyến.

Cùng với đó, xây dựng hệ thống GDNN mở, linh hoạt phục vụ việc học tập suốt đời của người dân, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận GDNN của người dân, để góp phần nâng cao chất lượng nhân lực, an sinh xã hội việc làm.

"GDNN nếu chuyển đổi số chậm sẽ không đáp ứng được nội hàm của đổi mới GDNN và yêu cầu phát triển nền kinh tế.

Chuyển đổi số trong GDNN phải làm thần tốc, nhưng làm chắc chắn, có hệ thống, có tính kế thừa để xây dựng hệ thống GDNN bền vững không chỉ cho năm 2021 – 2022 mà còn cho nhiều năm sau nữa", TS Phạm Vũ Quốc Bình nói.

Nguồn: Hải An

https://nghenghiepcuocsong.vn/


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác: